
UBND huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023
Gia đình chị Phạm Thị Huế là một trong những hộ sản xuất mì gạo lâu đời nhất ở khu Thạch Đê. Với diện tích nhà xưởng khoảng trên 40m2, chị Huế đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất thay vì làm thủ công như trước đây, đồng thời đảm bảo sản xuất sạch, nói không với hàn the và chất bảo quản. Chị cho biết “Trước đây, làng chỉ lẻ tẻ vài hộ làm mì, bún bánh. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường tăng lên, các hộ mới mở rộng sản xuất, mua thêm máy móc để tăng năng suất. Việc sử dụng máy móc vào sản xuất đã rút ngắn công đoạn, nâng cao sản lượng lại tiết kiệm được nhân công lao động. Nếu sản xuất mì bằng phương pháp thủ công như trước, sử dụng 5 nhân công cũng chỉ đạt 2 đến 3 tạ/ngày; nay sản xuất bằng máy, chỉ 2 đến 3 nhân công, mỗi ngày gia đình chị làm được trên 5 tạ, có ngày lên đến 7 tạ. Để có sản phẩm mì ngon thì bí quyết chọn gạo là vô cùng quan trọng. Tôi thường làm mì từ gạo Khang dân, không lẫn những loại gạo khác. Như vậy sản phẩm mì được làm ra sẽ thơm ngon và dai hơn. Mì sau khi được cán thành sợi thì khâu phơi mì là rất quan trọng. Mì phải được phơi thật khô để khi đóng gói đảm bảo ngon, không bị mốc”.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo xã Hùng Việt thăm quan cơ sở sản xuất mì gạo của gia đình chị Huế.
Qua tìm hiểu các công đoạn, chúng tôi thấy người dân rất chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình vo gạo rất cầu kỳ, kỹ lưỡng, qua nhiều công đoạn để không sử dụng hàn the và chất tẩy trắng mà vẫn đảm bảo độ trắng sáng của gạo. Gạo sau khi vo bằng hệ thống máy sẽ được rửa lại bằng nước sạch, sau đó đem ngâm. Mùa hè thường ngâm từ 3 đến 4 tiếng, mùa đông từ 5 đến 6 tiếng để gạo nở đúng độ. Sau khi ngâm xong gạo được rửa lại bằng nước sạch rồi tiến hành xay thành bột.
Mỳ sau khi được cán thành sợi sẽ được ủ khoảng 11- 12 tiếng để có độ tơi, sau đó công nhân tại xưởng sẽ tiến hành rũ các sợi mỳ để phơi, công đoạn này thường được thực hiện vào sáng sớm để mỳ được phơi khô ngay trong ngày.
Sau khi mỳ được phơi khô sẽ được chuyển vào xưởng để thực hiện khâu bó mì. Những đôi tay của công nhân rất tỉ mỉ từ mọi khâu để có thể tạo ra những sản phẩm mì chất lượng. Mì được bó thành các bó nặng 1kg và có 2 loại dài và ngắn tiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Chị Huế nói vui đi đâu thấy mì bó lạt dang biết ngay là mì Thạch Đê.
Gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở Khu Thạch Đê cũng đã có gần 30 năm làm nghề này. Từ khi có đầu tư mua sắm máy móc, mỗi ngày xưởng sản xuất của chị Liên làm được từ 3 đến 4 tạ mì. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy do các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nhà để mua. Với giá bán dao động từ 18-20 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí, gia đình chị Liên mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng. Chị Liên tâm sự “Gia đình tôi làm mì đã 28 năm, trước kia làm truyền thống thì sản phẩm được ít, kể từ khi đầu tư máy móc chúng tôi sản xuất được 3 tạ/ngày, mì sản xuất đến đâu bán hết đến đó, đã giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Để đạt tiêu chuẩn quy định OCOP mà ngành nông nghiệp đã triển khai, chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để người tiêu dùng không chỉ ở trong huyện, tỉnh mà cả ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng, tin dùng”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên mỗi ngày sản xuất từ 3 đến 4 tạ mì gạo
Hiện nay, khu Thạch Đê có 349 hộ dân, trong đó có 23 hộ sản xuất mì gạo và 04 hộ sản xuất bún. Hiện nay sản phẩm mì gạo Thạch Đê đang được tích cực quảng bá, kết nối phân phối tại thị trường tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, … Sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích và đánh giá chất lượng thơm ngon, bao bì đẹp mắt, giá bán trung bình từ 30 - 35.000đ/kg, ước doanh thu từ mì gạo của cả làng nghề năm 2023 đạt trên 2 tỷ đồng. Ông Đặng Trần Lương- Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Việt cho biết thêm “Đối với địa phương xã Hùng Việt vinh dự có 2 làng nghề được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận, trong đó có làng nghề mỳ bún bánh. Đây là làng nghề có lịch sử gần 100 năm nay, bà con trong làng nghề đã tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm mỳ, bún, bánh ra thị trường. Nguồn nguyên liệu đầu vào được lựa chọn kỹ càng, quá trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, đời sống bà con làng nghề được nâng lên rõ rệt. Để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, những năm trở lại đây, bà con trong làng nghề đã tập trung đầu tư hệ thống máy móc, nguyên liệu sản xuất; chú trọng nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài huyện tin tưởng lựa chọn”.

Sản phẩm mì gạo Thạch Đê được cải tiến mẫu mã đẹp mắt tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023
Với mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị làng nghề truyền thống lâu đời, tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có từ cánh đồng mẫu lớn của xã, bà con trong làng nghề Thạch Đê đang tiếp tục học tập kinh nghiệm, cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì xây dựng thương hiệu mì gạo Thạch Đê, khẳng định vị trí và chỗ đứng trên thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho bà con.
Thực hiện: Mạnh Thuần (Trung tâm VHTTDL&TT Cẩm Khê)