Đình-chùa Sơn Cương nằm trên một khu đất thoáng rộng, gần cánh đồng Câu, mặt nhìn theo hướng Tây. Theo tương truyền, đình Sơn Cương và chùa Khánh Lâm được dựng từ khi khởi lập thôn làng, khoảng cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, cụm di tích đình chùa Sơn Cương đã bị phá hủy, đến khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, chính quyền và nhân dân địa phương mới cho phục dựng lại các công trình kiến trúc này trên nền móng cũ. Đình- chùa Sơn Cương được dựng lại bằng những vật liệu xây dựng hiện đại theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống.

Cổng đình Sơn Cương
Đình Sơn Cương có kết cấu 3 gian thờ dọc, cột xây vuông đỡ bộ vì kiểu quá giang gối tường, 2 gian ngoài của đình không xây tường, để thông thoáng, gian trong cùng xây kín, tạo cửa ngách hai bên. Thượng điện tạo khám thờ đặt trên thượng cung cách mặt đất 1m7, khám thờ làm cửa bức bàn 4 cánh, là nơi đặt long ngai của thành hoàng và các đồ thờ tự.

Quang cảnh đình Sơn Cương

Gian chính giữa của Đình
Hiện nay, Đình Sơn Cương còn lưu giữ 5 đạo sắc phong của các vua thời Nguyễn, trong đó có 02 sắc triều Tự Đức (năm thứ 6 – 1852 và năm thứ 30 – 1879); 01 đạo triều Đồng Khánh năm thứ 2 (1887); 01 đạo triều Thành Thái năm thứ nhất (1889); 01 đạo triều Duy Tân năm thứ 3 (1909). Bốn quyển sách chữ Hán, chất liệu giấy dó, khổ 17cm x 30cm và một số di vật khác như kiệu bát cống, đồ thờ…

1 trong 5 đạo sắc phong của các vua thời Nguyễn
Chùa Khánh Lâm có kiến trúc gồm 4 gian thờ dọc, có 3 cửa ra vào, tường xây đón mái, bộ vì làm kiểu quá giang gối tường. Gian trong cùng là bệ thờ, giật cấp, nằm chính giữa, trên đó đặt các lớp tượng Phật. Phía bên trái (trong cùng) của gian thượng điện, bài trí một ban thờ, trên án gian bằng gỗ đặt tượng thờ bà Phương Hoa công chúa. Theo tương truyền, tượng Phương Hoa công chúa là của đền Mẫu, nhưng do đền hư hỏng, dân làng đã mang đặt tượng bà vào chùa để thờ cúng.
Hệ thống tượng ở chùa Khánh Lâm gồm có 10 pho bằng chất liệu gỗ, đất, được làm mới trong thời gian gần đây. Cách bài trí gồm có: bộ Tam Thế; bộ Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu; tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ đứng sau bộ tượng Ngọc Hoàng; bộ Thích Ca sơ sinh, tòa cửu Long; và các tượng Thánh Tăng, Đức Ông.

Cổng chùa Khánh Lâm

Quang cảnh bên trong chùa Khánh Lâm

Gian thờ Phương Hoa công chúa
Trong khuôn viên chùa hiện nay còn lưu giữ giếng nước, cây đa cổ thụ đã nhiều năm tuổi.

Cây đa được công nhận là cây di sản Việt Nam nằm trong khuôn viên cụm di tích đình- chùa Sơn Cương
Theo phong tục truyền thống, hàng năm cứ vào ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch, người dân trong xã lại nô nức mở hội. Ngoài phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, thành kính; thì phần hội là các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà… cùng các hoạt động giao lưu văn nghệ thể dục thể thao đã thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như vậy, Đình chùa Sơn Cương đã được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp Tỉnh vào năm 2000.
T/h: Vũ Hà (Trung tâm VH-TT-DL&TT Cẩm Khê)