Chia sẻ về gốc tích của nghề, các bậc cao niên ở địa phương cho biết nghề làm nón nơi đây xuất hiện chính thức từ khoảng năm 1950. Đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) tản cư về đất Sai Nga đã mang theo nghề làm nón, từ đó truyền nghề cho nhân dân địa phương. Trải qua thời gian, nghề làm nón lá Sai Nga vẫn được người dân bảo tồn, phát triển, họ vẫn hàng ngày truyền kinh nghiệm cho các thế hệ con cháu. Những cô gái người Sai Nga biết nghề làm nón, khi đi lấy chồng về các xã lân cận cũng tiếp tục truyền nghề ở quê chồng, vì vậy cùng với Sai Nga, các làng Sơn Nga, Thanh Nga, Tùng Khê… đều có các hộ gia đình theo nghề làm nón.

Người dân làm nón

Người dân làm nón
Theo thống kê, trước kia hơn 90% số hộ dân Sai Nga làm nghề làm nón truyền thống. Nay có khu Công nghiệp Cẩm Khê, số hộ làm nón giảm đi đôi chút. Ở Sai Nga, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón. Hiện nơi đây có một Hợp tác xã nón lá với 26 hộ thành viên, các gia đình trong Hợp tác xã liên kết hỗ trợ nhau về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu vào, đầu ra.

Hình ảnh chiếc nón được thiết kế đẹp
Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm nón gồm: lá, khuôn, vành, mo tre hoặc vầu, sợi cước, sợi len và một lưỡi cày để là phẳng lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Lá làm nón được bà con mang từ Hà Tây, Thanh Hóa về theo chợ phiên. Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 giờ. Một chiếc nón đẹp đảm bảo chọn lá phải trắng, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp. Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã chủ yếu làm 2 loại: nón kỹ (là loại nón được tuyển chọn kỹ càng, lá làm nón phải trắng, phẳng, vanh nón phải tròn, bên trong được lót ni lông và cài hoa hoặc những hình ảnh cảnh đẹp quê hương đất nước; khi may phải tỉ mỉ không được nát; sau khi xong nón được quang dầu cài quai, chóp nón được mạn) với giá 85.000 đến 100.000 đồng/chiếc; nón thưa (là nón, lá và các nguyên liệu tuyển chọn ít công phu và may mũi dài hơn, được bán sang Trung Quốc) có giá 30.000 đến 40.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán tại chợ phiên, nhưng đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình. Chợ phiên Sai Nga họp 5 ngày 2 phiên (vào các ngày 2, 4, 7, 9) chủ yếu mua vật liệu làm nón, bán nón … Nón làng Sai Nga được còn đưa đi bán nhiều nơi ở các Hội chợ thương mại; dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng; các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… và xuất sang cả Trung Quốc. Sản phẩm nón Sai Nga thanh thoát, đẹp, nhẹ, bền, chắc, có thể sử dụng để che mưa che nắng; cũng có thể để cho các cô gái tạo dáng, làm duyên; làm quà tặng cho những người thân làm kỷ niệm gợi nhớ về hồn quê đất Việt. Vừa làm nón các thành viên vừa cùng nhau trò chuyện trao đổi phát triển kinh tế, kinh nghiệm giữ lửa ấm gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm và đặc biệt giữ gìn văn hóa của làng quê. Từ nghề làm nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có sắm sửa tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nón lá Sai Nga. Năm 2023, sản phẩm nón lá của Hợp tác xã sản xuất nón lá Sai Nga đạt chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2024 được nâng hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.

Bằng chứng nhận Nghề làm nón lá Sai Nga, Thị trân Cẩm Khê được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sản phẩm tham gia Hội chợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ
Nghề thủ công truyền thống nón lá xã Sai Nga được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào, mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây, song cũng đặt ra nhiều thử thách về bảo tồn và phát triển. Trong đó cần tập trung quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng của làng nghề, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch làng nghề với lợi thế đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu sản xuất tập trung, có đủ điều kiện để làm điểm du lịch cho khách tham quan đến làng nghề. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; đầu tư xây dựng phát triển thị trường và thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để nâng cao thu nhập cho người làm nghề.
Mạnh Thuần