Cuối năm 2019, UBND huyện đã triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng tại gia đình anh Hà Quang Chung, khu Đồng Minh xã Minh Tân, với diện tích 1.000m2 tổng kinh phí trên 400 triệu đồng từ dự án của huyện, hộ gia đình anh Chung đối ứng thêm 200 triệu đồng. Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng là mô hình hoàn toàn mới, áp dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho nông dân và giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm. Hiện nay, trang trại của anh đã được đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Để tạo niềm tin với người tiêu dùng, anh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông qua đó khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng tại gia đình anh Hà Quang Chung, khu Đồng Minh xã Minh Tân mang lại hiệu quả kinh tế
Làng nghề chè Đá Hen được công nhận từ 2010, sau đó chuyển đổi thành Hợp tác xã. Năm 2021, sản phẩm chè Đá Hen hảo hạng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện. Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, làng nghề đã tập trung đổi mới mẫu mã, bao bì, chủng loại để đáp ứng thị hiếu của thị trường. Đến nay, toàn bộ các sản phẩm của đơn vị đều có mẫu mã, bao bì riêng khá đa dạng với nhiều sản phẩm phong phú như: Chè xanh Đá Hen, chè nõn tôm, chè hảo hạng… Hiện nay, HTX chè Đá Hen tiêu thụ ra thị trường hơn 1 tấn sản phẩm/tháng, doanh thu từ 200- 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhận thức được rằng, trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. HTX canh tác chè theo hướng an toàn, đầu tư hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước, bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu. Từ chính sách khuyến công và các nguồn vốn hỗ trợ khác, HTX được hỗ trợ một phần vốn đầu tư máy móc. Đến nay, HTX có máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng. Thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, các hộ dân trong Hợp tác xã đã tích cực ứng dụng sổ nhật ký điện tử vào quá trình quản lý sản xuất. Việc nâng cao năng lực cơ giới hóa ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp canh tác, phân bón, công nghệ tưới… giúp nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu. Bên cạnh kỹ thuật trồng, chăm sóc chè thì công nghệ, năng lực bảo quản, sơ chế, chế biến và bao bì nhãn mác sản phẩm chè được Hợp tác xã tiếp tục cải thiện, các sản phẩm được bán trên các sản thương mại điện tử uy tín (Lazada, Shopee và Tiki…) mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Sản phẩm chè Đá hen được bày bán trên các sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất được huyện triển khai đến nhiều hộ dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác ứng dụng. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Nhiều cơ sở sản xuất, bà con nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã xây dựng được 14 mã số vùng trồng cho cây lúa, rau, chuối, bưởi. Trong đó 2 mã số vùng trồng cho cây lúa với diện tích 330 ha tại xã Hùng Việt; 9 mã số vùng trồng cho cây rau diện tích trên 3,5 ha tại các xã: Chương Xá, Minh Tân, Tuy Lộc; 2 mã số vùng trồng cho cây chuối diện tích 40 ha tại xã Minh Tân và Thị trấn Cẩm Khê; 1 mã cho cây bưởi diện tích 6,5 ha tại xã Cấp Dẫn. Toàn huyện có 27 sản phẩm và nhóm sản phẩm đtạ tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao.

Sở Khoa học và Công nghệ trao quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể chè Đá Hen
Tuy nhiên, Chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, do còn mới cho nên nhận thức của hầu hết người dân và các Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.
Ðể việc chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực hơn, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các địa phương, nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện: Mạnh Thuần