Nhớ lại khi mới nhập học lớp 10, cơ sở vật chất của trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn; vừa dậy- học vừa gấp rút xây dựng. Trường có 2 khu, được nối với nhau bằng cây “cầu khỉ” mỏng manh bắc qua Ngòi Cỏ, trụ và thân cầu đều bằng cây tre, cây cọ nên rất chênh vênh, khó đi. Ở khu chính, các thầy cô giáo làm việc trong căn nhà cấp IV, 5 gian (tận dụng lại nhà làm việc của Ban quản trị HTX nông nghiệp Hiền Đa). Học sinh toàn trường đều học trong những phòng học tạm, khung được dựng bằng tre hoặc gỗ tạp, mái lợp lá hoặc tranh, tường trát bua đất cao ngang ngực (loại tường dựng bằng khung cọc tre, phên tre, trát bùn nhào với rơm khô). Những phòng học này do UBND các xã và phụ học sinh trong vùng tuyển sinh đóng góp nguyên vật liệu và ngày công xây dựng nên; sau này chỗ nào tường hỏng, vỡ thì chính thầy và trò mỗi lớp bố trí các buổi cùng lao động, trát bua sửa sang lại. Đến năm chúng tôi lên lớp 12, cuối cấp nên được ưu tiên học trong 4 phòng học xây, lợp ngói đầu tiên của trường.
Trường có 2 sân, sân trước khu nhà lớp học được coi là sân chính, dùng để tổ chức các hoạt động tập trung toàn trường (chào cờ đầu tuần, tập quân sự...); sân bên kia bờ Ngòi Cỏ dùng để dạy học môn Thể dục và các hoạt động khác. Cả 2 sân đều vốn là các ruộng lúa được san gạt tạm thời, mặt các sân đều còn mấp mô, nhiều chỗ trũng thấp, bùn nhão, đọng nước; đi từ cổng trường vào các phòng học là phải đi trên một số “lối mòn”. Mỗi khi có các hoạt động tập trung ngoài sân, học sinh ngồi xổm, thậm chí ngồi bệt luôn trên mặt cỏ thưa, quần áo lấm đầy bùn đất.

Thầy và trò Trường THPT Hiền Đa những năm đầu thành lập.
Ngày ấy, học sinh chúng tôi chỉ học 1 buổi/ngày. Mỗi tuần thầy cô chủ nhiệm lớp tổ chức 1 buổi lao động tập trung. Trong buổi lao động tập trung ấy, thầy và trò cùng nhau san lấp, tôn nền sân trường; hoặc làm hàng rào tre, trồng cây xanh quanh trường; hoặc làm bồn hoa trước mỗi lớp; hoặc đóng gạch để nhà trường tự tổ chức nung lấy gạch chín xây trường.... Những buổi ấy thật sự là những buổi lao động “cật lực”, vất vả nhưng rất vui vì ai cũng nghĩ mình đang đóng góp công sức cho trường lớp của mình khang trang lên, cho vài năm sau các em mình được học trong những lớp học vững chắc, đẹp đẽ hơn.
Các thầy cô giáo của trường khi ấy đa số quê vùng hạ huyện Cẩm Khê và đều còn rất trẻ (Thầy Tạ Quang- Hiệu trưởng; thầy Cao Ngung- Hiệu phó lúc ấy cũng chỉ xấp xỉ tuổi 40). Hẳn là do tinh thần xung kích của tuổi trẻ và ý thức tình nguyện đóng góp cho quê hương nên các thầy cô được chuyển về từ nhiều trường THPT khác trong tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có cả những thầy cô đang là giáo viên của trường THPT Chuyên Hùng Vương). Những năm học sau, một số thầy cô giáo trẻ khác, có thầy cô mới tốt nghiệp Đại học sư phạm đã được bổ sung về trường. Với nhiệt huyết, tri thức, lòng nhân ái và sức trẻ, các thầy cô đã thực sự yêu thương, gắn bó, đồng hành với học sinh trong từng tiết học, từng hoạt động.
Ngày ấy, các thầy cô giáo cũng rất nghèo, một số thầy cô ở tập thể trong dãy nhà cũng bằng tranh tre, vách đất. Nhiều thầy cô đi về nhà hàng ngày bằng chiếc xe đạp cà tàng và thường đèo giúp 1 học sinh đi về cùng tuyến đường (vì lúc ấy nhiều học sinh không có xe đạp, phải cuốc bộ đến trường).
Học sinh lúc ấy đều rất nghèo, rất khó khăn. Trang phục đến trường giản dị, quần áo tuềnh toàng, cũ bạc; nữ thì đội nón lá, nam đội mũ cối Đội Cấn, thậm chí đầu trần; nữ đeo dép săng đan loại rẻ tiền, nam đeo dép nhựa Tiền Phong, dép cao su hoặc dép tổ ong sứt mũi. Đa số học sinh đều đi bộ đến trường; chỉ có một số ít bạn nhà ở xa như Đồng Lương, Tạ Xá, Chương Xá, Phú Lạc... là phải có xe đạp đi học và thường phải đèo nhau. Ngày ấy chưa có trạm bơm Hiền Đa nên cánh đồng từ Yên Dưỡng, Văn Khúc ra Hiền Đa mỗi năm có một vụ chìm sâu trong nước, chìm luôn cả con đường liên xã bằng đất, nhỏ hẹp, cao hơn bờ ruộng tí chút; vì vậy, vào mùa nước, các bạn ở Văn Khúc, Yên Dưỡng còn phải lội qua quãng đường khoảng hơn 1,5 km, có đoạn ngập sâu đến quá gối để đến trường. Sách vở, đồ dùng học tập lúc ấy cũng cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Vào đầu năm học, bốn, năm, thậm chí bẩy, tám bạn cùng khối lớp, nhà tương đối gần nhau sẽ được mượn chung 1 bộ sách giáo khoa từ thư viện của trường, hết năm học lại hoàn trả sách cho thư viện để khóa sau mượn tiếp. Từng cuốn trong bộ sách ấy được nhóm bạn chuyền tay nhau hàng ngày để ôn lại phần lý thuyết, và chủ yếu là để chép phần bài tập cuối mỗi bài học về tự làm. Vở viết là giấy tập có dòng kẻ nhãn hiệu Lửa Việt nâu xỉn, học sinh tự mua bìa về đóng thành cuốn, dày mỏng tùy theo môn học..... Ngày ấy Cẩm Khê chưa có điện, tối về học bài tại nhà bằng đèn dầu tù mù, khét lẹt.
Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng chúng tôi học hành rất nghiêm túc, cả ở trường và ở nhà. Thầy cô rất nghiêm khắc trong giờ lên lớp, trong kiểm tra, cho điểm, đánh giá xếp loại... nhưng đồng thời cũng rất khoan dung, động viên, khích lệ chúng tôi trong từng tiết học; sẵn sàng trò chuyện, giảng giải ngoài giờ để học sinh nắm vững từng kiến thức.
“Ôn nghèo, kể khổ” một chút để thấy được sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của tỉnh, của huyện, của ngành giáo dục- đào tạo nói chung và trường THPT Hiền Đa nói riêng. 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của ngành GD-ĐT và chính quyền các cấp cùng sự quan tâm ủng hộ của nhân dân, trường THPT Hiền Đa đã phát triển vượt bậc. Hiện nay, mỗi năm học nhà trường có quy mô khoảng 22 lớp, gần 1.000 học sinh, 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Qua quá trình đầu tư xây dựng, toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường đã được kiên cố hóa, khang trang, bề thế, trang thiết bị dạy học hiện đại. Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia năm 2019.

Thầy và trò Trường THPT Hiền Đa ngày nay
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Hiền Đa đã có trên 10.000 học sinh tốt nghiệp, trong đó có hàng nghìn người học lên đại học và trên đại học, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc, sỹ quan, cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt của các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến địa phương.... Dù làm gì ở đâu, giữ cương vị nào, các thế hệ học sinh trường THPT Hiền Đa luôn phát huy truyền thống của nhà trường, góp sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Hơn 200 học sinh thuộc khóa thi tuyển sinh đầu tiên của trường THPT Hiền Đa chúng tôi nay cũng đã ở độ tuổi ngoại “ngũ tuần”. Dù ra trường đã lâu nhưng chúng tôi vẫn luôn dõi theo, vui mừng, phấn khởi, tự hào trước từng bước phát triển của trường, luôn nhớ về ngôi trường cũ với những ký ức thân thương về tình thầy trò, tình bè bạn, sự nỗ lực của một thời đầy gian khó.
Bùi Xuân Vĩnh
Cựu học sinh khóa 1985-1988 Trường THPT Hiền Đa
-----------------------------