Toàn cảnh Đình Thổ Khối

Cổng Đình Thổ Khối

Tòa chính của Đình Thổ Khối

Phần mái của ngôi đình hiện nay
Đình Thổ Khối là một công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng từ thời Hậu Lê. Đây là 1 trong những di tích có giá trị cả về quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, trang trí cổ; được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1999. Theo tương truyền, đình Thổ Khối thờ 07 vị thành hoàng (gọi là Thất vị Đại vương), trong đó, ban đầu có 03 vị có chung danh hiệu Long Vương, đó là Nhất Lang Long Vương, Nhị Lang Long Vương, Tam Lang Long Vương. Cả ba vị thần đều là thượng đẳng tối linh, tức là những vị thần thiêng liêng bậc nhất có công khai lập, bảo vệ và xây dựng làng, ban phước lành, che chở cho nhân dân. Sau có phát sinh thêm 04 vị thành hoàng khác, nhưng chưa rõ tên gọi và lai lịch.

Gian chính bên trong ngôi đình

Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia được đặt trong gian chính của ngôi đình

Các hoạt tiết, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, công phu

Khung bệ kiến trúc bên trong được chạm khắc khá tỉ mỉ, công phu
Quy mô của ngôi đình khá bề thế, và được làm theo quy chuẩn truyền thống của một ngôi đình làng vùng thượng nguồn trung du Bắc Bộ. Đình được làm trong một khuôn viên khá rộng và thoáng đãng. Kiến trúc đình theo kiểu hình chữ Đinh, quay hướng Tây Bắc. Về cơ bản, tổng thể ngôi đình gồm có: tòa đại đình (tòa đại đình và hậu cung); hai ngôi nhà nằm hai bên giải vũ, sân đình được lát gạch vuông đỏ và nghi môn (gồm có nghi môn nội và nghi môn ngoại) làm dưới dạng trụ biểu kết hợp với cửa ra vào có mái che. Phần kiến trúc giữa của đình được trang trí đậm nét các mảng chạm khắc khá tỉ mỉ, công phu, tinh xảo với các đề tài chủ đạo là rồng ổ, trúc hóa long, động vật, người cưỡi ngựa, voi đóng bành… thể hiện ước muốn ngàn đời của cư dân nông nghiệp về một cuộc sống tốt đẹp.
Bên cạnh hệ thống kiến trúc, ngôi đình hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa. Ngoài Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia, hiện đình Thổ Khối còn lưu giữ một số sắc phong của nhiều niên đại khác nhau như: Quang Trung năm thứ 5 (năm 1792) có 1 đạo, Cảnh Thịnh năm thứ 4 (năm 1796) có 1 đạo, Tự Đức có 5 đạo, Đồng Khánh năm thứ 2 (năm 1886) có 1 đạo, Duy Tân năm thứ 3 (năm 1909) có 1 đạo. Các mảng trang trí từ thế kỷ 17, 18 tại đình cũng là những di sản tư liệu quý về nghệ thuật chạm khắc.
Đình làng Thổ Khối là một di tích văn hóa lịch sử có giá trị tiêu biểu của huyện Cẩm Khê. Những năm gần đây, đình được tỉnh lựa chọn là điểm di tích gắn với chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam. hào về nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt.
Thời gian trôi qua, xã hội đã có nhiều đổi thay, nhưng lễ hội làng dưới mái đình cổ vẫn còn giữ được những nghi thức truyền thống từ xa xưa có ý nghĩa linh thiêng, lưu giữ truyền thống sinh hoạt cộng đồng gắn bó, đoàn kết..,. Theo nghi thức truyền thống, hằng năm, dân làng Thổ Khối mở hội tại đình vào các ngày 14, 15 và 16 tháng giêng âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của các vị Thần hoàng làng đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, làng xã. Trong đó, ngày 14 tổ chức rước kiệu quanh làng và các trò chơi dân gian đặc sắc như bịt mắt bắt dê, đập nồi, bắt trạch trong chum, đi trên cầu cụt, leo cột mỡ…; ngày 15 tổ chức lễ tế Thần, dâng hương tại đình và tiếp tục diễn ra các trò chơi dân gian; ngày 16 có tục thi trình gà béo, xôi dẻo, đấu vật. Những người con nơi đây, dù đi đâu xa họ cũng trở về vào ngày hội làng để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cảm nhận tình làng nghĩa xóm.

Nghi thức tế lễ truyền thống

Một trò chơi dân gian tại lễ hội đình Thổ khối
Đình Thổ Khối là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những giá trị lịch sử, văn hóa mà ngôi đình để lại có ý nghĩa to lớn nhằm giáo dục truyền thống và củng cố khối đại đoàn kết ở quê hương Cẩm Khê nói chung và người dân Phương Xá (nay là xã Minh Tân) nói riêng.
Phùng Hạnh - Nguyễn Xuân Thư - Bùi Bá Đạt