Ông Nhân nuôi nhím và dúi từ năm 2007. Thời gian đầu, ông đã phải tìm đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lên mạng tìm tài liệu kỹ thuật nuôi và cách phòng bệnh cho nhím, dúi. Chuồng nuôi được ông thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, hơn 100m2 có thể nuôi được hơn 20 con nhím và 40 con dúi. Chuồng xây theo kích thước cao 60cm, rộng 60 cm và dài 40, kín gió, ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Thức ăn gồm tre, ngô bắp, thân mía, mỗi ngày cho ăn một lần vào chiều tối. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho 2 loại vật nuôi này, ông đã tận dụng diện tích đất vườn nhà trồng thêm mía, ngô và thu mua tre của người dân trong vùng. Đặc điểm của loài nhím, dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường 10 ngày mới phải dọn chuồng một lần.
Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6 - 7 tháng là thời điểm nhím, dúi phát dục, cần ghép đôi để giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để nhím, dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi sinh sản được một tháng thì tách con sang chuồng nuôi thương phẩm. Mỗi năm đàn nhím, dúi nhà ông sinh sản từ 2 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 5 con. Nhím và dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt từ 300 - 500g; thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, có thể đạt trọng lượng 1,5 kg. Giá bán hiện nay 700.000 một cặp dúi con giống; 3 triệu đồng một cặp dúi bố mẹ; 500.000 đồng/kg dúi thương phẩm; nhím giống sinh sản từ 2 đến 3 triệu đồng/cặp; nhím thịt 300 đến 350 ngàn đồng/kg. Đến nay, ông có hơn 30 cặp nhím giống bố mẹ, hơn 40 cặp dúi giống bố mẹ, mỗi năm sinh sản hàng trăm cặp nhím, giống con và giống thương phẩm, trừ mọi chi phí cho thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm.
Ông Nhân cho biết “Tôi nuôi nhím, dúi chủ yếu cung cấp con giống cho bà con, đảm bảo phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học trưởng thành. Nuôi nhím, dúi đơn giản và lại không tốn nhiều thời gian bởi chuồng trại dễ làm, không tốn nhiều chi phí, là loại đặc sản, thịt chắc và ngon nên được tiêu thụ mạnh trên thị trường, so với các loại gia súc khác, hiệu quả kinh tế cao”. Hiện nay mô hình nuôi nhím và dúi của ông Nhân rất hút khách. Khách hàng ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai…đến tham quan và đặt mua con giống.

Ông Nhân nói về chăn nuôi dúi
Từ mô hình chăn nuôi của mình, ông Nhân sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các hộ dân trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm, cách phòng chống dịch bệnh trong nuôi nhím, dúi. Ông Trần Văn Đức – Phó chủ tịch UBND xã cho biết “Xã chúng tôi có nhiều hộ dân nuôi con đặc sản, trong đó có ông Nhân, hàng năm chăn nuôi rất hiệu quả, cung cấp con giống và thương phẩm ra thị trường. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình để bà con nhân dân cùng phát triển”.


Đàn nhím, dúi của ông Nhân phát triển
Có thể nói, mô hình chăn nuôi nhím và dúi của ông Nhân đã mở ra một hướng mới trong chăn nuôi của người dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như điều kiện sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập của các hộ nông dân.
Thực hiện: Mạnh Thuần