
Để có hiệu quả cao trong công tác phòng trừ bệnh bạc lá, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cẩm Khê hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá hại lúa như sau:
1. Cách nhận biết bệnh:
- Vết bệnh từ mép lá, mút lá lan dần vào trong phiến lá hoặc kéo dài theo gân chính, nhưng cũng có khi vết bệnh từ ngay giữa phiến lá lan rộng ra; vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục, lá nâu bạc, khô xác.
- Phân biệt ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ, là đường gợn sóng màu vàng hoặc không vàng, có khi chỉ là một đường viền nâu đứt quãng hay không đứt quãng.
- Trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, trên bề mặt vết bệnh dễ xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ, có màu vàng đục, khi keo đặc rất cứng như trứng cá.
- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ấm nóng và thường gây hại nặng giai đoạn lúa trổ bông trở đi. Những năm thời tiết ẩm ướt, nhiều mưa gió, bão là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển.
- Những ruộng bón quá nhiều đạm, cây lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, ruộng lúa chua, trũng, đặc biệt là những vùng đất hẩu dễ nhiễm bệnh nặng.
- Ruộng bị bệnh nặng: bộ lá đòng bị khô cháy lúa bị lép lửng, làm giảm năng suất nghiêm trọng.
2. Biện pháp phòng trừ bệnh:
Biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá có hiệu quả là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những đợt mưa giông, bão. Khi thấy bệnh xuất hiện, dừng ngay việc bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, các loại phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng;
Sử dụng các loại thuốc hoá học để phun phòng trừ như: Starner 20 WP, Kasumin 2 SL; TP – Zep 18 EC, Xanthomix 20 WP, Somec 2 SL, Sasa 25 WP, Sansai 20 WP.... kết hợp chăm sóc lúa cân đối, hợp lý để phòng ngừa và hạn chế bệnh.
Chú ý: Khi sử dụng thuốc nêu trên phải pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Trọng Thủy - Trạm BVTV huyện Cẩm Khê