
Cổng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm

Một góc khu ao nuôi cá của các hộ dân
Gia đình ông Nguyễn Công Vui ở khu 3 Thủy Trầm năm nay nuôi 2 ao cá chép đỏ. Dự kiến nhà ông cung cấp ra thị trường khoảng trên 2 tạ cá. Mỗi cân cá chép đỏ được khoảng 60 con, theo mức giá năm nay, tính trung bình khoảng hơn 1.000 đồng/con mua tại gốc. So với năm ngoái, thời tiết năm nay thuận lợi hơn, nhưng giá lại thấp hơn. Ông cho biết “gia đình tôi nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Năm nay, cá sinh trưởng khá tốt, song giá lại thấp hơn so với mọi năm”.

Gia đình ông Vui thu hoạch cá
Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ. Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, trong đó sử dụng trên 1.140 lao động tại chỗ. Thông thường cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Trong những năm gần đây, để nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng. Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập “Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm” với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thuỷ Trầm. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa. Ông Bùi Văn Chữ- Giám đốc Hợp tác xã cho biết “lúc đầu, người dân địa phương chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Nhờ sinh lợi lớn cho nên hiện nay nghề nuôi cá chép đỏ phát triển.


Những con cá chép đỏ được người dân thu hoạch
Được sự quan tâm các cấp, các ngành đầu tư hệ thống thủy lợi, đường giao thông nên bà con nuôi cá thuận lợi, thương lái từ Hà Nội, các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Lào Cai….đến tận nơi thu mua vận chuyển dễ dàng.
Sản lượng làng nghề năm nay dự kiến cung cấp khoảng 35 tấn cá ra thị trường, tương đương khoảng hơn 2 triệu con. Từ những ngày 19 đến 20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá đã chuẩn bị máy bơm, cùng lưới và thùng để bơm nước, thu hoạch cá. Đến nay, phần lớn các hộ nuôi đã thu hoạch cá xong, đưa ra thị trường. Giá bán tại gốc chỉ xấp xỉ 80 ngàn/kg. Mặc dù giá giảm sâu so với mức 100 - 150 ngàn đồng/kg năm ngoái nhưng sau khi trừ chi phí, bà con nuôi cá chép đỏ ccungx có thu nhập bình quân 25 triệu đồng/sào.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã đang tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng lan tỏa rộng hơn.
Về Thủy Trầm những ngày này thấy được sự thay da đổi thịt nơi đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng cao từ phát triển làng nghề nuôi cá chép đỏ, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thực hiện: Mạnh Thuần