Làng nghề nón lá Sai Nga tự hào di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
05/01/2021
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định công nhận thêm 23 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong toàn quốc, trong đó nón lá Sai Nga, Thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê (Phú thọ) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống. Đây là niềm vui không chỉ cho các nghệ nhân và bà con Sai Nga nói riêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân trong toàn huyện và toàn tỉnh; là bước đi quan trọng trong xây dựng phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương; giúp cho nghề làm nón ở làng nghề nón Sai Nga phát triển ngày một mạnh mẽ hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Những ai có dịp về Sai Nga những ngày cuối
năm, chuẩn bị bước sang năm mới Tân Sửu sẽ thấy được không khí hồ hởi, phấn khởi
của bà con nơi đây khi biết thông tin nghề nón làng mình được công nhận là di sản
văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chia sẻ về gốc tích của nghề làm nón, các bậc cao
niên ở địa phương cho biết, nghề nón nơi
đây xuất hiện chính thức và phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950. Đầu
tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) khi tản cư
về đất Sai Nga đã mang theo nghề làm nón. Trải qua thời gian, nghề làm nón lá
Sai Nga được người dân bảo tồn, phát triển. Dù vất vả nhưng dân làng ai cũng muốn
bám lấy nghề làm nón lá. Họ vẫn hàng ngày truyền kinh nghiệm cho các thế hệ con
cháu. Những cô gái người Sai Nga, khi lấy chồng về các xã lân cận đều đem theo
nghề. Vì vậy cùng với Sai Nga, các làng Sơn Nga, Thanh Nga, Tùng Khê của huyện
Cẩm Khê….đều có các hộ gia đình làm nón.
Theo thống kê của xã Sai Nga (cũ), trước kia có
hơn 90% số hộ dân trong xã làm nghề làm nón truyền thống. Nay có khu Công nghiệp
Cẩm Khê, số hộ làm nón có giảm đi đôi
chút. Ở Sai Nga, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón. Hiện xã Sai Nga có
một Hợp tác xã nón lá với 26 hộ gia đình thành viên. Các gia đình trong Hợp tác
xã liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, về nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm
đầu ra. Hàng năm Hợp tác xã nón tổ chức được các lớp tập huấn về kỹ thuật làm nón.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã nón lá Sai Nga phấn khởi cho biết
“ Năm nay, rất vinh dự cho làng nghề chúng tôi được công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể Quốc gia, đây là niềm tự hào của người dân trong làng nghề; từ đây
mở ra hướng đi phát triển mới cho làng nghề. Các thành viên trong Hợp tác xã đã
cùng giúp đỡ lẫn nhau, truyền dạy nghề cho nhau, đặc biệt chú ý truyền dạy nghề
cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn, phát triển nghề nón lá truyền thống ở địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Thảo, 68 tuổi ở khu Văn Phú 3 cho biết: “Lúc tôi còn rất bé đã học ông bà, bố mẹ làm
nón, đến nay đã có hơn 50 năm trong nghề. Tôi đã truyền dạy nghề cho các em,
các cháu tôi từ lúc còn rất nhỏ giờ đã may nón thành thạo. Tận dụng thời gian rảnh
rỗi lúc nông nhàn làm thêm. Thu nhập mỗi tháng cũng được 4 đến 5 triệu đồng, đủ
tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày”.
Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều
công đoạn. Nguyên liệu làm nón gồm: lá, khuôn, vành, mo tre, hoặc mo vầu, sợi cước, sợi len làm nhôi và một lưỡi cày để
là phẳng lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Lá làm
nón được tiểu thương bà con mang từ Hà Tây, Thanh Hóa về bán theo chợ phiên của
làng. Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 giờ, muốn nón được trắng
hơn khi làm xong hơ qua diêm sinh. Giữa hai lớp lá mỏng, những hình hoa lá được
cài vào nón lá. Một chiếc nón đẹp đảm bảo
chọn lá phải trắng, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo
những khoảng cách đều tăm tắp. Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã chủ yếu
làm 2 loại: nón kỹ và nón thưa. Nón kỹ là loại nón tuyển chọn các nguyên liệu kỹ
càng, lá làm nón phải trắng, phẳng, vanh nón phải tròn, bên trong được lót ni
lông và cài hoa hoặc hình ảnh các cảnh đẹp quê hương đất nước; khi may phải tỷ
mỷ; sau khi làm xong, nón được quang dầu bóng, cài quai, chóp nón được khâu kỹ lưỡng. Loại
nón này bán với giá từ 55.000 đến 80.000 đồng/chiếc. Nón thưa là loại nón ít kỳ công hơn; lá và các
nguyên liệu tuyển chọn ít công phu và may mũi dài hơn. Loại nón này được bán
cho tiểu thương từ 20.000 đến 40.000 đồng/chiếc để xuất sang Trung Quốc. Bình
quân mỗi năm cả làng Sai Nga sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu
hàng chục tỷ đồng. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán
tại chợ phiên, nhưng đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ
phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình. Chợ Sai Nga họp
5 ngày 2 phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 chủ yếu mua bán nón và các vật liệu làm
nón như lá, cước, len, vành, hoa nón...
Nón lá Sai Nga, ngoài số lượng khá lớn xuất khẩu sang
Trung Quốc thì được đưa đi bán rộng rãi ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái
Nguyên, đặc biệt bán nhiều ở các Hội chợ thương mại, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ
hội Đền Hùng;…. Sản phẩm Nón Sai Nga thanh thoát, đẹp, nhẹ, bền, chắc, có thể sử
dụng để che mưa che nắng; cũng có thể để
cho các cô gái tạo dáng, làm duyên; làm quà tặng cho những người thân
làm kỷ niệm gợi nhớ về hồn quê đất Việt. Vừa làm nón các thành viên vừa cùng
nhau trò chuyện trao đổi phát triển kinh tế, kinh nghiệm giữ lửa ấm gia đình, gắn
kết tình làng nghĩa xóm và đặc biệt giữ gìn văn hóa của làng quê. Năm 2004, nghề
làm nón Sai Nga đã chính thức được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Từ nghề làm
nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình
có sắm sửa tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang.
Việc nghề làm nón Sai Nga được công nhận là di
sản văn hóa phi vật thể là niềm tự hào và cũng mở ra một hướng đi mới, để từ chỗ
là nghề phụ phát triển mạnh mẽ thành một nghề chính cho thu nhập cao. Bà Trần
Thị Thu Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho
biết “Rất tự hào ở Cẩm Khê, làng nghề nón lá Sai Nga được công nhận di sản văn
hóa phi vật thể Quốc gia. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai việc đưa máy móc
hiện đại để giảm công lao động cho người dân làm nghề. Ngoài ra, huyện cũng sẽ
tổ chức cho đại diện làng nghề là thợ sản xuất lâu năm có tay nghề giỏi, uy tín
trong làng, lãnh đạo làng nghề đi tham quan, học tập. Đồng thời tập trung phát
triển và đưa thương hiệu nón lá Sai Nga tới không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh
lân cận mà ra toàn quốc. Hiện các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã đang
quan tâm tiến tới đầu tư xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm
gắn với du lịch làng nghề, hành trình di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương”.
Việc nghề nón lá xã Sai Nga được công nhận di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào, mở ra hướng đi mới cho người
dân dân đây, song cũng đặt ra nhiều thử thách về bảo tồn và phát triển. Trong
đó cần tập trung quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng của làng nghề, phục vụ tốt
hơn cho nhu cầu du lịch làng nghề với lợi thế đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai,
xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu sản xuất tập trung, có đủ
điều kiện để làm điểm du lịch cho khách tham quan đến làng nghề. Tăng cường hơn
nữa công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính
sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc
thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; đầu tư xây dựng phát
triển thị trường và thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để nâng cao thu nhập cho
người làm nghề.
Thực hiện: Mạnh Thuần