Huyện đã triển khai các giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nhiều mô hình mới đã hình thành và mang lại hiệu quả. Trong trồng lúa, các địa phương đã chú trọng mở rộng trồng các gống lúa chất lượng cao như JO2, Thiên ưu, Khang dân, ở các xã Hùng Việt, Điêu Lương, Đồng Lương và Tiên Lương. Trồng cây ăn quả khá phát triển, người dân trồng các cây ăn quả chất lượng như bưởi diễn, ổi..Bên cạnh đó, nhiều mô hình hiệu quả khác như trồng nấm ở xã Minh Tân, trồng dưa, rau trong nhà màng ở các xã Minh Tân, Minh Thắng, Hương Lung được triển khai, phù hợp điều kiện canh tác từng địa phương và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Huyện cũng khuyến khích phát triển trang trại tập trung ứng dung công nghệ cao bảo đảm an toàn sinh học và liên kết chuỗi giá trị như trang trại nuôi gà của Hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Tiên Sơn xã Tiên Lương; mô hình trồng chuối xuất khẩu gần 100 ha ở xã Minh Tân và Thị trấn Cẩm Khê được cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng.

Mô hình trồng chuối xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế ở xã Minh Tân và Thị trấn Cẩm Khê
Với lợi thế về diện tích mặt nước, trong những năm qua, huyện Cẩm Khê không ngừng mở rộng diện tích, quy mô nuôi thủy sản, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Năm 2024, toàn huyện có 1.862 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000 ha; diện tích một vụ lúa, một vụ cá là hơn 800ha. Sản lượng thủy sản năm 2024 đạt trên 8.500 tấn, tăng 103% so cùng kỳ. Cùng với các giống thủy sản truyền thống, các loại thủy sản có giá trị cao như cá chép đỏ, tôm càng xanh, ốc nhồi, cá trê, cá chình được người dân đưa vào nuôi duy trì, đem lại hiệu quả cao gấp 4 đến 5 lần so với nuôi các loại cá truyền thống. Tập trung ở các xã: Minh Thắng, Minh Tân, Phú Khê và Nhật Tiến.

Người dân xã Nhật Tiến thu nhập ổn định từ nuôi tôm càng xanh
Thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra thực trạng sản xuất, kinh doanh, khả năng phát triển sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; triển khai cho các chủ thể đăng ký tham gia... trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai cụ thể theo từng năm. Đặc biệt, huyện triển khai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trong những năm qua, huyện Cẩm Khê đã thực hiện hỗ trợ kinh phí in bao bì, tem nhãn, trang bị máy móc, thiết bị cho các chủ thể tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm...Tính đến nay, Cẩm Khê có 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Nổi bật như: Trà Đá Hen (Đồng Lương), bánh chưng Đất Tổ (Hùng Việt), dầu cọ, dầu lạc Sông Thao xã Văn Bán, nem chua Phước Duyên (Phượng Vĩ), nón lá Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê)...

Sản phẩm dầu lạc Sông Thao xã Văn Bán đạt ocop 3 sao
Với các giải pháp hiệu quả, đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 129,5 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so cùng kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Thực hiện: Mạnh Thuần