Làng nghề mộc Dư Ba, xã Tuy Lộc được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2005, đến nay Dư Ba có 230 hộ làm nghề, trong đó 66 hộ có xưởng mộc, tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động với thu nhập bình quân 4 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm làng nghề sản xuất hàng ngàn sản phẩm là bàn, ghế, giường, sập gụ, tủ chè…tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu bình quân làng nghề ước đạt trên 30 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Trước đây các hộ làm nghề chủ yếu sản xuất theo lối thủ công, mất nhiều nhân công lao động, giá thành sản phẩm cao. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, những năm qua, các hộ làm nghề mộc ở Dư Ba đã vay vốn, đầu tư nâng cấp máy móc phục vụ sản xuất như máy cưa công suất lớn, máy xẻ, máy đục vi tính,… nhờ đó năng suất chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên.


Người dân trong làng nghề tích cực đưa máy móc công nghệ vào sản xuất sản phẩm
Anh Hoàng Văn Lai, Hộ sản xuất làng nghề mộc Dư Ba xã Tuy Lộc cho biết“Ngày xưa làng nghề chúng tôi làm ăn nhỏ lẻ, thủ công. Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, làng nghề đông hộ gia đình làm nghề nên chúng tôi đầu tư phát triển máy móc, làm các đơn hàng từ cao cấp đến các sản phẩm có giá trị. Mỗi gia đình đầu tư các loại máy móc lên tới cả tỷ đồng”.
Ông Tạ Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tuy Lộc cho biết thêm “Trong công tác phát triển làng nghề, hai ba năm trở lại đây, bà con tiếp cận máy móc thiết bị. Cụ thể đến thời điểm hiện tại có 4 cơ sở sử dụng máy tạo ra sản phẩm làng nghề; chủ động mọi công đoạn trong sản xuất”.
Việc làng nghề tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc vào sản xuất đã thay đổi tập quán từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thủ công sang sản xuất theo quy mô công nghiệp nhằm tăng tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Tuy nhiên để làng nghề phát triển mạnh, các cấp, các ngành ở xã, huyện cần tăng cường tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần lưu giữ nghề truyền thống với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Thực hiện: Mạnh Thuần