
Cổng ngôi chùa

Toàn cảnh phía trước ngôi chùa

Phần mái của ngôi chùa hiện nay
Tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng ở trung tâm của làng Tiên Động, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, chùa Phúc Lâm còn được gọi là chùa Trong. Chùa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có đơn nguyên kiến trúc chính hình chữ Nhất, kết cấu kiểu 1 gian 2 chái, mái lợp ngói.

Bộ vì kèo của ngôi chùa hiện nay

Hệ thống tượng Phật bên trong ngôi chùa
Trải qua thời gian, tuy không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ như ban đầu, song điều đáng quý là chùa Phúc Lâm vẫn bảo lưu được hệ thống 12 pho tượng (4 pho tượng gỗ, 8 pho tượng đất). Đặc biệt, trong chùa có tượng hậu Phật được tạo tác nhỏ nhắn, trong tư thế ngồi xếp bằng, mình mặc áo cà sa, đầu đội mũ, tay phải đang bấm đốt, tay trái úp đùi. Đây là một đặc điểm riêng có gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của chùa Phúc Lâm trong dòng chảy chung của Phật giáo Việt Nam.

02 Chuông đồng cổ được bảo lưu tại ngôi chùa
Bên cạnh hệ thống các pho tượng có giá trị, chùa Phúc Lâm còn bảo lưu được 02 quả chuông đồng có niên đại vào năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), minh chứng cho lịch sử tồn tại lâu đời của ngôi chùa cổ.
Chùa Phúc Lâm là nơi sinh hoạt văn hóa cổ truyền của nhân dân. Hàng năm có 2 ngày lễ lớn được tổ chức, ngày Lễ Phật Đản 08/4 âm lịch và ngày Lễ Vu lan 15/7 âm lịch, đó ngày mà toàn thể người dân trong làng cũng như những người đi làm ăn xa về tề tựu đông đủ để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, cùng quây quần bên nhau để gìn giữ các thuần phong mỹ tục.
Chùa Phúc Lâm là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi gìn giữ những giá trị di sản truyền thống của dân tộc. Những giá trị lịch sử, văn hóa mà ngôi chùa để lại có ý nghĩa to lớn góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và sự phát triển ở quê hương Cẩm Khê nói chung và người dân xã Tiên Lương nói riêng.
Thực hiện: Phùng Hạnh- Xuân Phúc