Đình Đồng Kệ còn được dân gian gọi là đình Khống, thuộc xã Đồng Cam cũ (nay là xã Minh Tân), huyện Cẩm Khê. Theo tương truyền, đình Đồng Kệ thờ 4 vị thần linh là Cao Sơn đại vương, Đại Hải long vương, Thổ kỳ và Hoằng Hợp thủy thần. Theo các cụ trong làng kể lại, đình đã được trùng tu nhiều lần, trong đó năm 1917 xây thêm tòa tả hữu mạc làm nơi tụ tập của các giáp trong làng, hai cột trụ đồng, cắt bớt chân cột, hạ sạp gỗ xuống thấp và lợp lại ngói mũi hài. Năm 1942, mùa màng thất bát, chính quyền phong kiến lúc đó cho quay lại hướng long ngai, bỏ sạp gỗ và xây bệ bằng gạch. Năm 1945 vỡ đê, ngập lụt làm đổ hai nhà tả hữu mạc, dân làng không có điều kiện xây dựng lại. Năm 1995, đình được trao lại cho Hội người cao tuổi xã Đồng Cam cũ trông nom hương khói, tổ chức sửa sang, xây cất tường bao, tu bổ nội thất.

Phía trước Đình Đồng Kệ

Gian chính thờ 4 vị thần linh
Đình Đồng Kệ nằm trên một khu đất rộng. Kết cấu kiến trúc của đình không lớn, được dựng theo kiểu 3 gian dọc, dài 16m, rộng 10m. Hàng hiên rộng, có 4 cột quân bằng gỗ, được kê lên con kê bằng gỗ. Các đầu bẩy và kèo xó gối lên trụ cột bằng xi măng. Đình có một cửa cánh gấp, bên trên cửa bưng ván kín. Xưa kia toàn bộ là cửa bức bàn, có bậu cửa bằng gỗ cao đến 40cm. Sau này bịt lại một bên cửa ngách trái, để lại bên cửa ngách phải và vẫn giữ được bậu cửa cũ cho đến nay. Gian trong cùng dựng thành thượng cung cao 2m, sàn lát ván, phía trước có xà rồng. Thượng cung được bố trí thành hai phần, bên ngoài tạo thành ban thờ để lư hương và các đồ thờ tự, phía trong dựng thành một khám thờ có cửa cánh gấp sơn son và bưng ván để các cỗ long ngai của các vị thần.
Trên các cấu kiện gỗ của đình Đồng Kệ được đục chạm khắc, trang trí các hình tứ linh, tứ quý, hoa lá, vân mây… Trong đó, có hai bức cốn ở cửa chính, chạm hình rồng, bức bên phải chạm một đầu rồng lớn nhìn chính diện, bên dưới có 5 con rồng nhỏ, phía trên có chim phượng xòe cánh. Đây là bức chạm theo đề tài rồng ổ theo phong cách và kỹ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Bức bên trái, cũng được chạm tương tự, chính giữa có đầu rồng lớn, hai bên có rồng con chầu vào, phía trên có một con rồng hoàn chỉnh uốn khúc, vắt đuôi lên cao đến sát nóc. Trên bốn đầu bẩy hiên ở phía trước có chạm trổ cả hai mặt cảnh long cuốn thủy, phượng hàm thư, lân vờn cầu, nghê, rồng, hoa lá. Hai đầu bẩy hai bên cửa ngách gối lên tường chạm hai con lân uốn mình ngoảnh vào trong, xung quanh có hoa lá, vân mây cụm. Bốn đầu nghé ở các đầu cột hiên thực chất là đòn tay đỡ xà ngang, được đục chạm thành hình cánh phượng, rộng, hoa lá. Trong đình, cũng được chạm khắc hoa văn, chủ yếu là hoa lá, lưỡng long chầu nguyệt... Bên cạnh những chạm khắc tinh xảo, đình Đồng Kệ còn lưu giữ một số di vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật như: ngai thờ, bảng chúc, lư hương gốm và 6 đạo sắc phong thời vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Đại biểu và du khách thắp hương tại đình Đồng Kệ
Năm 2002, đình được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích cấp Tỉnh. Hiện nay đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con nhân dân trong xã đang tích cực vận động con em xa quê, các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng lại đình, góp phần tô điểm thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tôc.
Mạnh Thuần – Hoài Thu