Theo tương truyền thì đình thờ hai vị thành hoàng làng là Cao Sơn đại vương và Bản Cảnh đại vương. Cùng với đình, tại Yên Dưỡng còn có một số di tích tâm linh khác như đền Song Nưa thờ Quỳnh Hoa công chúa; đền Móng thờ công chúa Liễu Hạnh; miếu Mường thờ quan Mường; chùa Yên Dưỡng (tên chữ là An Phú tự).
Căn cứ vào nhiều tài liệu khác nhau và các đạo sắc phong thời Nguyễn (03 đạo sắc triều Tự Đức, 01 đạo triều Duy Tân thì có thể đoán định đình Yên Dưỡng được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Yên Dưỡng trước đây dựng tại gò Đình (cách vị trí đình hiện tại khoảng 600m theo hướngTây). Ngôi đình làng Yên Dưỡng xưa kia được làm bằng vật liệu tranh, tre, nứa lá, nhưng sau này đã bị hư hỏng và đến năm 1910 thì được dân làng di chuyển vào vị trí hiện nay. Đến năm 1990, đình Yên Dưỡng được tu sửa và đến năm 2005 đình tiếp tục được tôn tạo với quy mô như bây giờ.

Toàn cảnh đình Yên Dưỡng

Các đầu trụ cột được sơn thếp đẹp mắt.

Nhà bái chính

Gian hậu cung đình Yên Dưỡng

Ngai thờ trong hậu cung

Ngai thờ và hộp lưu giữ sắc phong
Hiện nay, đình Yên Dưỡng tọa lạc trên một khuôn viên thoáng đẹp thuộc thôn Yên Dưỡng với tổng diện tích 1919,3m2, mặt quay hướng Nam. Nhìn tổng thể, đình Yên Dưỡng có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh (chuôi vồ), gồm 2 tòa: đại bái và hậu cung. Trước tòa đại bái là một khoảng sân rộng 80m2, lát gạch vuông đỏ. Bên trái sân đình có cây đa cổ thụ, tạo không gian vừa thâm nghiêm cổ kính, vừa mát mẻ khang trang. Hai bên đại bái có 2 cột trụ cao 5m, xây vuông, trên đỉnh cột trụ đắp 4 hình chim phượng. Tòa đại bái, gồm có 3 gian, làm kiểu nhà 2 mái, tường hồi bít đốc, bờ chảy tạo theo thế tay ngai cổ kính, nền lát gạch hoa, mái lợp ngói dân dụng. Bộ khung tòa đại bái làm bằng gỗ, vì kèo theo kiểu quá giang gối tường. Trên hoành nóc ghi thời gian trùng tu vào năm Canh Ngọ - năm 1990. Gian giữa tòa đại bái có bài trí 01 ban thờ gỗ và bộ chấp kích. Tòa đại bái được ngăn cách với tòa hậu cung bởi 03 cửa vòm, cửa vòm chính giữa rộng 1m25, cao 2m3, có treo bức đại tự bằng chữ Hán (Vạn cổ anh linh). Hậu cung có bộ khung bằng gỗ xoan. Bệ thờ trong hậu cung được giật 3 cấp: Cấp cao nhất đặt ngai thờ, bài vị; cấp thứ 2 đặt đỉnh đồng, bát hương đồng; cấp thứ 3 đặt các đồ thờ như bát hương đồng, nến phao, nậm rượu". Ngoài ra, đình còn lưu giữ một số đồ thờ tự có giá trị như sắc phong, ngai thờ, nhang án, mâm bồng, hòm sắc...

Cụ từ hằng ngày quét dọn hương khói cho Đình Yên Dưỡng
Hàng năm đình có 7 ngày lễ, trong đó lễ hội chính được tổ chức vào ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm, đó là ngày mà toàn thể người dân trong làng cũng như những người đi làm ăn xa về tề tựu đông đủ để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, cùng quây quần bên nhau để gìn giữ các thuần phong mỹ tục.
Đình Yên Dưỡng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi gìn giữ những giá trị di sản truyền thống quý báu của quê hương.
Mạnh Thuần – Hoài Thu – Xuân Thư – Bá Đạt