Chùa Nam Sơn ở thôn Hoàng Lương, xã Tiên Lương. Đình nằm trên đỉnh một đồi cọ, có địa thế thoáng đãng, mặt quay về hướng Đông Nam và được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX (giai đoạn Nguyễn muộn).

Cổng vào Nam Sơn tự

Cổng Tam quan

Quang cảnh ngôi chùa

Phần mái của ngôi chùa hiện nay
Trước năm 1945, chùa có kết cấu hình chữ Đinh, 3 gian thượng điện, 5 gian tiền đường. Trong chiến tranh, chùa bị phá hủy; đến năm 1996 chính quyền và nhân dân địa phương đã cho phục dựng lại chùa trên nền móng cũ.
Hiện nay, chùa Nam Sơn có kết cấu hình chữ Nhất, gồm 1 tòa ba gian thờ dọc, bộ vì làm theo kiểu giá chiêng gối tường. Các bộ vì làm bằng gỗ xoan, đỡ toàn bộ phần mái lợp bằng ngói dân dụng. Cổng Tam quan của chùa rộng rãi, trên trán cổng giữa đắp nổi chữ Hán - Nam Sơn tự.

Gian chính điện ngôi chùa

Gian chính điện ngôi chùa

Hệ thống các pho tượng trong chùa

Hệ thống các pho tượng trong chùa

Ban thờ bên trái (từ ngoài nhìn vào) gian chính điện

Ban thờ bên phải (từ ngoài nhìn vào) gian chính điện

Các hoạt tiết, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, công phu

Các hoạt tiết, hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, công phu
Hiện nay, trong chùa có 19 pho tượng bằng chất liệu đất và gỗ; được bài trí theo quy chuẩn của Phật giáo Bắc Bộ. Hệ thống tượng của chùa Nam Sơn chủ yếu mới được tạo tác trong thời gian gần đây (vì hệ thống tượng cũ đã bị phá hủy, thất lạc trong chiến tranh) nhưng về hình dáng, đường nét tạo tác, các hoa văn trang trí… đều tuân theo quy chuẩn cổ điển.
Chùa Nam Sơn hiện nay đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu ý nghĩa và giá trị tinh thần đối với nhân dân và phật tử xã Tiên Lương. Hàng năm có 2 ngày lễ lớn được tổ chức ở chùa là ngày Lễ Phật Đản 08/4 và ngày Lễ Vu lan 15/7 âm lịch, ngày mà toàn thể người dân trong làng cũng như những người đi làm ăn xa về tề tựu đông đủ để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, cùng quây quần bên nhau để bảo tồn gìn giữ các thuần phong mỹ tục, cũng như lo bàn những công việc chung của làng.
Chùa Nam Sơn là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Ngôi chùa chính là nơi gắn kết, hòa nhập trong đời sống tâm linh của con người với nhu cầu hướng thiện, cầu mong những điều tốt lành, hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp, góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và sự phát triển xã hội ở địa phương .
Phùng Hạnh- Xuân Phúc