
Đền Hoàng Lương nhìn từ trên cao

Cổng Đền Hoàng Lương

Quang cảnh ngôi đền

Phía trước ngôi đền
Theo tương truyền, đền Hoàng Lương được khởi dựng vào đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX). Trải quan những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi Đền phải tu sửa nhiều lần, mới đây nhất vào năm 2023, Đền được xây dựng mới hoàn thiện mang dáng dấp như hiện nay.
Đền Hoàng Lương tọa lạc trên một khuôn viên rộng rộng rãi, phía trước có ao hình bán nguyệt, mặt quay mặt về hướng Nam. Ngôi Đền có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian, 2 tầng, 8 mái cong. Gian chính giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian trong cùng là hậu cung thờ Mai Hoa công chúa.
Bên cạnh ngôi Đền chính, từ cổng vào bên trái là nhà thờ Bác Hồ, bên phải là đền thờ Thành Hoàng làng.
Đền Hoàng Lương có những đường nét thiết kế, các chi tiết mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong thiết kế Đền ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Hệ thống kết cấu của Đền bằng bê tông cốt thép, hệ cửa bức bàn đều được làm bằng gỗ tự nhiên chắc chắn, chất lượng. Phần mái được chạm khắc các con kim nóc ở đầu mái, mái lợp ngói màu nâu, giữa 2 mái có đặt một bức cuốn thư chữ Hán Nôm kèm chữ quốc ngữ sơn son thếp vàng. Lối lên được thiết kế dạng bậc thềm ngũ cấp và ở giữa là chiếu rồng đá được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo.
Sân Đền Hoàng Lương được lát gạch ô vuông họa tiết hình thoi, xung quanh khuôn viên Đền được bố trí hệ thống cây xanh rải rác bao gồm các hàng cây cao, thấp đan xen chạy dọc đối xứng phía trước Đền thờ. Cổng chính của ngôi Đền được thiết kế dạng tứ trụ đá xanh nguyên khối phù hợp với thiết kế của Đền thờ truyền thống, được chạm trổ họa tiết hoa văn tinh xảo.

Gian chính ngôi đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu

Hệ thống tượng gian chính ngôi Đền
Hiện nay, đền còn giữ 02 đạo sắc phong thời Nguyễn, 1 đạo vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846); 1 đạo vào năm Tự Đức thứ 7 (1852). Mặc dù được phục dựng mới nhưng đền Hoàng Lương vẫn mang trong mình những giá trị về lịch sử văn hóa thể hiện qua những di vật cổ như hoành phi câu đối, cỗ kiệu, mâm bồng, đao kiếm.... vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo lưu. Năm 2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận ngôi đền là di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp Tỉnh.
Ngôi đền là chứng nhân lịch sử thăng trầm của dân tộc và tấm lòng hiếu nghĩa tri ân nguồn cội của nhân dân vùng quê. Hàng năm, vào ngày 8 tháng giêng và ngày 6 tháng 8 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cầu Đức Vua Bà Mai Hoa Công chúa Đại Vương; ngày 15 tháng 4 và ngày 15 tháng 9 âm lịch tổ chức lễ cầu Cơm Mới bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc và nguyện cầu các đức tiền nhân phù hộ, che chở bao bọc cho nhân dân được bình yên, no ấm.

Bằng công nhận di tích cấp tỉnh được đặt trong gian chính của ngôi đền
Từ khi khởi dựng đến nay, ngôi đền đã giữ một chức năng quan trọng là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và các vùng lân cận, là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân xã Tiên Lương, có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thực hiện: Phùng Hạnh- Xuân Phúc