Xã Phú Lạc phía Đông giáp xã Tình Cương; phía Tây Nam giáp xã Chương Xá vàVăn Khúc; phía Bắc giáp xã Yên Tập; phía Đông Bắc giáp sông Thao. Năm 1923, người Pháp đã thành lập đồn điền trên địa bàn hai xã Phú Lạc và Tình Cương. Cây Chè là cây trồng chính của đồn điền với diện tích khoảng 50ha, nên nơi đây được nhân dân gọi là đồn điền Chủ Chè. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồn điền này bị xóa bỏ song địa danh Chủ Chè vẫn được người dân trong vùng quen gọi
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ở Phú Thọ, thực dân Pháp mở nhiều trận càn quét, đánh chiếm một số vị trí quan trọng nhằm khống chế địa bàn rộng lớn giáp vùng Tây Bắc nước ta. Để bình định vùng đất Cẩm Khê, ngày 09/11/1947, địch từ Thu Cúc (Thanh Sơn), càn qua Tề Lễ (Tam Nông), ra Đá Hen (Đồng Lương) và Ngọc Lập (Yên Lập) rồi tiến ra Chủ Chè. Nhận được tin, tiểu đội du kích cơ động của Phú Lạc nhanh chóng được lệnh tổ chức mai phục ở dốc Bủ Trầu, đường 98 đi Yên Lập (khu II, xã Phú Lạc ngày nay) sẵn sàng chờ lệnh. Song do lực lượng du kích quá mỏng, vũ khí thô sơ, quân địch lại đông gấp nhiều lần nên du kích chỉ nổ súng ngăn chặn rồi rút về làng kháng chiến ở xóm Tây. Làng kháng chiến này gồm 4 xóm, có ngòi Me bao bọc 3 phía, muốn vào làng phải qua cây cầu tre dài khoảng 15m, phía trước làng có lũy tre bao bọc, là nơi lực lượng du kích tập trung, tổ chức các trận đánh địch. Sợ bị sa vào ổ phục kích của ta, quân địch không dám tiến vào làng, nhưng tại khu phố Chủ Chè ở Phú Lạc, quân Pháp đã đốt 32 nóc nhà và phá hoại nhiều tài sản của nhân dân rồi rút theo đường 24 (Quốc lộ 32C ngày nay) về trú tại đồn Phong Vực.
Ngày 01/01/1949, quân ta mở chiến dịch sông Đà đánh địch ở Tây Bắc Bắc bộ. Để đối phó, thực dân Pháp thiết lập phòng tuyến sông Bứa nhằm bảo vệ hệ thống cứ điểm đã chiếm đóng ở Tây Nam Phú Thọ, đồng thời bảo vệ cho việc liên lạc, vận chuyển của hai cung đường: đường 24 kết nối Hòa Bình - Hưng Hóa - Cẩm Khê - Hạ Hòa - Yên Bái (nay là Quốc lộ 32C) và đường 15 Hà Nội - Sơn La (nay là đường 32). Ngày 15/02/1949, địch mở cuộc hành quân mang tên Di-an (Bà chúa Thượng Ngàn) đánh chiếm vùng Tây Nam Phú Thọ. Trước tình hình đó, để ngăn chặn và làm thất bại kế hoạch của thực dân Pháp, bảo vệ nhân dân, Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến- Hành chính huyện Cẩm Khê đã bố trí lực lượng, hướng dẫn và tổ chức cho nhân dân tạm sơ tán; tổ chức cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã có địch càn qua phối hợp với bộ đội chủ lực bám sát đội hình địch để tổ chức phục kích, chặn đánh và tiêu diệt địch.
Ngày 4/3/1949, 01 tiểu đoàn bộ binh quân đội Pháp với sự yểm trợ của máy bay và pháo đã từ Tam Nông theo sông Hồng tấn công lên bến đò Chủ Chè nhằm chặn đường liên lạc, tiếp tế của quân và dân ta. Phát hiện ý đồ của địch, bộ đội chủ lực đã cùng dân quân địa phương chủ động tổ chức phục kích đánh địch tại dốc bến đò Chủ Chè trên địa bàn xã Phú Lạc. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương 132 tên địch (trong đó có 81 tên bị tiêu diệt tại trận), thu hơn 300 khẩu súng, nhiều lựu đạn và máy thông tin. Bị thất bại nặng nề ở Chủ Chè, quân Pháp không dám mở rộng phạm vi càn quét, buộc phải rút lui.

Cụ Mai Sơn Giảng- Du kích quân trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến thắng Chủ Chè đang trò chuyện về trận đánh năm 1949.
Để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh Chủ Chè, đồng thời thể hiện niềm tự hào và để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ sau, năm 1960, huyện Cẩm Khê đã xây dựng Bia ghi dấu sự kiện lịch sử Chiến thắng Chủ Chè đặt trên trung tâm địa điểm xảy ra trận đánh (đỉnh dốc ngã ba Chủ Chè, sát quốc lộ 32C, thuộc khu Bắc Tiến 1, xã Phú Lạc).
Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Cẩm Khê, Bia lịch sử Chiến thắng Chủ chè được tôn tạo, xây dựng trên nền đất cũ, diện tích 120m2. Bia có địa thế cao, tầm nhìn thoáng đãng, bên phải là gò Cột Điện, xung quanh là các khu dân cư trù phú. Trước bia là khoảng sân rộng 12 m2, lát gạch đỏ, xung quanh xây tường bao bổ trụ gắn gạch gốm hoa chanh. Thân Bia hình chữ nhật, cao 5,89m, rộng 5,2m, dầy 0,45m, được làm chủ yếu bằng đá đen; móng bằng bê tông cốt thép, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 32C, trán bia thể hiện hình tượng lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay. Thân bia khắc nội dung: “Chiến thắng Chủ Chè. Tháng 3 năm 1949 Pháp từ Tam Nông lên Chủ Chè đem 1 tiểu đoàn bộ binh có máy bay, pháo yểm trợ, bị quân và dân Cẩm Khê chặn đánh. Sau 12 giờ chiến đấu, buộc địch phải rút lui, đem theo 80 khiêng thương vong”.

Bia di tích lịch sử Chiến thắng Chủ Chè được tôn tạo năm 2017
Phát huy truyền thống cha ông đi trước, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lạc đã đoàn kết, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức với tinh thần chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2019, xã Phú Lạc đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đang tích cực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bia di tích Chiến thắng Chủ Chè thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm chỉnh trang sáng- xanh- sạch- đẹp. Các nhà trường trong xã và các xã lân cận thường tổ chức cho học sinh đến thăm Bia di tích, mời các Cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh kể về Chiến thắng Chủ Chè.

Năm 2019, xã Phú Lạc đạt chuẩn Nông thôn mới

Một góc hình ảnh xã Phú Lạc
Có thể nói, Bia lịch sử chiến thắng Chủ Chè không chỉ là biểu tượng của ý chí kiên cường, anh dũng, mưu trí của quân và dân xã Phú Lạc nói riêng, huyện Cẩm Khê nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là biểu tượng khắc ghi sự hy sinh xương máu của các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; là một địa điểm tham quan du lịch có tác dụng giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Mạnh Thuần – Nguyễn Xuân Thư – Bùi Bá Đạt